Hoạt động doanh nghiệp

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

  • 07/04/2023

Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao

Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

1. Tình hình khai thác thủy hải sản ở Việt Nam hiện nay

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động quốc tế, ngành thủy sản xác định trong năm 2022 sẽ điều chỉnh giảm dần việc khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng.

Cuối năm 2020, ngành thủy sản đề ra kế hoạch trong năm 2021 sẽ đạt được giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều dự án phải "án binh bất động" từ 4-5 tháng.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020. Trong đó, khai thác biển gần 3,7 triệu tấn (tăng 1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 196.000 tấn (tăng 0,2% cùng kỳ). Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản như: nhuyễn thể có vỏ, cá ngừ, mực, bạch tuộc... tăng mạnh.

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,7 triệu tấn. Trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, những chính sách có tác động tích cực rõ rệt đến sự phát triển của ngành trong thời gian qua là công bố danh sách 77 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mở 65 cảng cá; chỉ định 49 cảng cá đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác…

Tại hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2022 do Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng nhìn vào sản lượng khai thác thủy sản lớn chưa hẳn là điều đáng mừng, cần có kế hoạch cụ thể để khai thác được bền vững hơn.

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 1: Sản lượng thủy sản Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 2: Sản lượng nuôi trồng thủy sản 2015 - 2022

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 3: Sản lượng thủy sản khai thác 2015 - 2022

2. Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy hải sản hiệu quả, bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (Chương trình).

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương.

100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 4: Hình minh họa phát triển nuôi trồng thủy sản - giảm đánh bắt

3. Phát triển ngư nghiệp bền vững

a) Phát triển nuôi trồng thủy sản – Giảm đánh bắt

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy hải sản ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt, các cuộc xung đột trên thế giới khiến giá xăng dầu đi biển ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, đến nay đã trải qua 5 năm gian nan để gỡ thẻ này. Mặc dù các bộ, ngành và 28 địa phương có biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài.

Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, cần tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển bền vững cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ, khơi thông được nguồn lực đầu tư vào ngành nuôi trồng hải sản. Muốn vậy, cần đầu tư vào hạ tầng nuôi biển, nghiên cứu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến như lồng nuôi chắc bền chịu được sóng to gió bão.

Đồng thời, cần chú trọng nghiên cứu sản xuất những con giống nuôi cho giá trị kinh tế cao. Nhà nước cần có chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, ban quản trị các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở nuôi để có khả năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 5: Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030

b) Xây dựng ít nhất 3 mô hình, dự án thí điểm

Chương trình cũng đặt mục tiêu các địa phương xây dựng được ít nhất 03 mô hình, dự án thí điểm thuộc một trong những dự án, mô hình về: (i) Chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực; (ii) Mô hình liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản; (iii) Mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị sổ hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam.

c) Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia là phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Khuyến khích, vận động thành lập Hội, Hiệp hội thương lái, nậu vựa tại địa phương.

Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới.

d) Xử lý nghiêm đối với các tàu cá vi phạm

Nhiệm vụ khác của Chương trình là tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo Luật Thuỷ sản 2017.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Khai thác thủy hải sản hợp lý - Phát triển ngành ngư nghiệp bền vững

Hình 6: Khai thác thủy hải sản hợp lý, tuân thủ quy định IUU

Ngư dân có nhu cầu mua dây con gà, dây bô thái, dây buộc tàu Thái Lan, dây bô con gà, dây thừng Thái,... phục vụ đánh bắt ngư nghiệp và các sản phẩm hậu cần nghề cá liên hệ ngay với Siam Brothers Việt Nam.